Tin tức

Giá vàng vượt 74 triệu đồng/lượng, không dám ‘xuống’ tiền mua

Hôm nay, giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở vùng cao kỷ lục khiến nhiều nhà đầu tư không dám mua vào thời điểm này.

9h sáng ngày 8/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào 71,8 triệu đồng và bán ra 73,6 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với mức đóng cửa hôm qua.

Chưa đầy nửa tiếng sau, SJC điều chỉnh giá mua vào tăng thêm 600.000 đồng còn bán ra tăng 400.000 đồng mỗi lượng, lần lượt lên 72,4 triệu đồng và 74 triệu đồng.

Đến 9h40, giá mua vào được đẩy lên 72,8 triệu đồng và bán ra 74,4 triệu đồng một lượng.

Các hệ thống kinh doanh vàng khác tại TP HCM và Hà Nội như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu sáng nay đồng loạt nâng giá bán lên 74-74,2 triệu triệu đồng, chênh lệch không nhiều so với SJC. Tuy nhiên, giá mua vào tại các hệ thống này lại thấp hơn SJC đến 800.000 đồng một lượng.

Cuối ngày 7/3, giá vàng miếng tại SJC đã xác lập kỷ lục mới ở 71,7 – 73,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cao hơn 3,7 triệu giá mua và 4,5 triệu đồng giá bán so với buổi sáng. Mức tăng này khiến người mua vàng từ sáng đến chiều bán ra đã có lãi ngay 2,7 triệu/lượng.

Nếu so với một tuần trước, giá vàng miếng SJC hiện đã cao hơn 7,55 triệu đồng, tương đương mức tăng ròng 11,4%. Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi giá vàng miếng đã tăng 4,5 triệu đồng hôm nay.

Trong hơn một tuần gần nhất, giá mặt hàng này tăng liên tục vài triệu đồng/ngày, toàn bộ người mua vàng từ trước đến nay bán ra đều đã có lãi, nhưng rất ít nhà đầu tư dám xuống tiền.

Trên Zing, chị Thục Anh (30 tuổi, Bắc Ninh) hứa tặng 1 cây vàng SJC (tương đương 1 lượng – PV) tại lễ cưới của bạn thân. Ban đầu, lễ cưới dự kiến diễn ra trước Tết, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ cưới buộc phải hoãn, đến nay vẫn chưa thể diễn ra.

Tuy nhiên, nhiều ngày gần đây, chị Thục Anh đứng ngồi không yên khi giá vàng SJC tăng cả triệu đồng mỗi ngày. Từ mức giá 60 triệu/lượng trước Tết, giá vàng SJC hiện đã chạm mốc 73,5 triệu đồng.

“Điều tôi lo không phải là giá đã tăng mạnh mà là giá sẽ còn tăng bao nhiêu. Không biết đến khi bạn tôi tổ chức đám cưới, giá vàng có thể giảm về mức bình thường hay không”, chị chia sẻ.

Tương tự, anh Văn Huân (32 tuổi, Hà Nội) cho biết vàng luôn nằm trong danh mục đầu tư hàng năm của anh. Theo kinh nghiệm, hàng năm, giá vàng thường tăng mạnh vào giai đoạn diễn ra ngày Vía Thần Tài và sẽ giảm trong khoảng 1 tháng sau đó. Vì vậy, anh Huân đã chốt lời toàn bộ số vàng nắm giữ 1 năm trước vào ngày vía Thần Tài 2022 vừa qua và thu về 744 triệu đồng.

Theo đúng kế hoạch, anh sẽ tái đầu tư vàng sau khi giá giảm. Tuy nhiên, tính toán của anh Huân bất thành khi giá vàng trong nước không hề hạ nhiệt sau ngày Thần Tài mà còn tăng mạnh hơn.

“Từ mức 62 triệu/lượng giữa tháng 2, giá vàng SJC đến nay đã tăng vượt mốc 73 triệu đồng. Những ngày qua, tôi thậm chí không dám mua vào vì sợ đu đỉnh”, anh Huân chia sẻ.

Với 12 lượng vàng chốt lời cách đây chưa đầy 1 tháng, nếu nắm giữ tới thời điểm này, tổng giá trị số vàng của anh Huân đã lên tới gần 900 triệu đồng.

Không riêng chị Thục Anh và anh Huân, hàng loạt nhà đầu tư trong nước cũng phải đứng ngoài giai đoạn tăng “điên cuồng” của vàng miếng thời gian qua, ghi nhận trên Zing.

Sáng ngày 8/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.988,4 USD/ounce, giảm 2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 55,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh trong những ngày qua là việc nguy cơ thiếu nguồn cung trong nước khiến doanh nghiệp đẩy giá vàng lên cao. Hiện nay, doanh nghiệp vàng trong nước chủ yếu nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vì vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm. Mức chênh lệch ngày càng được nới rộng xuất phát từ việc nguồn cung chế tác vàng nữ trang hạn chế.

Từ năm 2012 đến nay theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng Ngân hàng Nhà nước quản lý, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu vàng nữ trang tại Việt Nam trên ngày càng tăng trong khi lượng nhập khẩu chưa tăng tương xứng.

Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh và nguy cơ lạm phát tăng cao, người dân hạn chế bán vàng cũng góp phần khiến nguồn cung thiếu hụt.

Một trong những lí do khiến giá vàng liên tiếp tăng mạnh có thể do doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

Trên thị trường vàng thế giới, Nga là một trong những nhà sản xuất vàng chủ chốt có xu hướng siết chặt thị trường, cũng tiềm ẩn nguy cơ khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng, tương đương 21% tổng kho dự trữ vào cuối tháng 1/2021.

Theo chuyên gia phân tích tài chính Rajan Dhall, viết trên Kitco News ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ tiếp tục mua vàng từ thị trường nội địa. Đây là một trong các nỗ lực nhằm thực hiện các biện pháp giúp ổn định tài chính trong trong nước bối cảnh các quốc gia phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Việc gom vàng cũng được triển khai khi đồng Ruble và chứng khoán Nga lao dốc trong những phiên vừa qua.

Trên thị trường tiền tệ, ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.171 đồng/USD, tăng 11 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD niêm yết ở mức 22.670 – 22.980 đồng/USD.

Nguoiduatin.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button