Covid-19

Chủ động ứng phó với biến thể Omicron

Các địa phương cần xây dựng kịch bản đối phó với Omicron kỹ lưỡng, bài bản để tránh bị động khi chủng mới này xuất hiện, lây nhiễm

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 ở nước ta dù đã được kiểm soát, song thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Đến nay, nước ta đã ghi nhận 24 ca nhiễm biến thể mới này, đều là người nhập cảnh.

Giám sát trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để giải mã gien

Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 15.600 ca mắc Covid-19, trong đó phần lớn là các ca bệnh ngoài cộng đồng. Tại TP Hà Nội, tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, đáng chú ý ngày 4-1, ghi nhận hơn 2.578 ca, đây là số ca bệnh cao nhất từ khi có dịch ở thủ đô. Hiện TP Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – màu vàng) trong phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM, tính đến nay, nước ta ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, đều là các trường hợp được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1) và Thanh Hóa (2). Trong số này, một bệnh nhân đã được xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. Một số trường hợp đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Chủ động ứng phó với biến thể Omicron - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế ở TP Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, ngay từ khi biến chủng này xuất hiện trên thế giới, Việt Nam đã sớm chủ động triển khai một loạt hoạt động giám sát, ứng phó với Omicron, trong đó yêu cầu giám sát những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để giải mã gien, phát hiện sớm biến thể Omicron.

Hiện Bộ Y tế đang bám sát diễn biến dịch do biến thể Omicron, đồng thời trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Để chủ động ứng phó, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng các địa phương cần xây dựng kịch bản đối phó với Omicron một cách kỹ lưỡng, bài bản để tránh bị động khi chủng mới này xuất hiện, lây nhiễm trên địa bàn. Theo ông, đường lây của biến thể Omicron không thay đổi so với chủng Delta, đó là lây lan qua giọt bắn, đường hô hấp, nguy cơ cao khi tiếp xúc gần… do đó người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và sự lây lan nhanh chóng do biến thể Omicron trên thế giới, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc tiêm vắc-xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại (mũi 3). Đến nay, hơn 5,3 triệu liều vắc-xin bổ sung và nhắc lại đã được tiêm cho các đối tượng có chỉ định. Đánh giá hiệu quả của mũi 3 vắc-xin Covid-19, theo PGS-TS Trần Đắc Phu, các nghiên cứu cho thấy với vắc-xin phòng Covid-19, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 – 6 tháng. Vì vậy, cần phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng để tăng miễn dịch. Đối với trường hợp cần tiêm mũi bổ sung sẽ tiêm sau 28 ngày.

TP HCM: 3 tín hiệu lạc quan

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, nhận định về tình hình sức khỏe của các ca nhiễm Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố, cho biết hầu hết các ca nhiễm Omicron vừa được phát hiện trên cả nước đều gần như không có triệu chứng, hiện chưa thấy ca bệnh nào chuyển biến nặng.

Về kế hoạch ứng phó biển chủng mới, theo bà Mai, từ đầu tháng 12-2021, Sở Y tế đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện điều trị Covid-19; phân bổ khoa, phòng hợp lý. “Hiện thành phố còn 13 bệnh viện dã chiến với sức chứa 22.000 giường. Số lượng này có thể sẵn sàng đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 8.000 giường. Như vậy, hệ thống điều trị thành phố vẫn đáp ứng kịp thời, bảo đảm việc chuyển viện theo khu vực phù hợp, kịp thời” – bà Mai nói. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết thành phố vừa phát hiện thêm 1 ca nhiễm biến thể Omicron. Ca bệnh này là tiếp viên hàng không, người Đài Loan (Trung Quốc), được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau 1 ngày cách ly ngay khi nhập cảnh.

Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, cho biết thành phố đang có 3 tín hiệu lạc quan trước dịch bệnh. Thứ nhất, số ca mắc mới ngày càng giảm. Cụ thể, ngày 9-12-2021, thành phố có 8.686 ca mắc Covid-19. Sau 1 tuần, chỉ còn 7.527 ca. Ngày 23-12-2021 còn 5.493 ca, đến ngày 30-12-2021 còn 4.087 ca. “Liên tục giảm như thế cho thấy công tác chống dịch đạt kết quả tích cực” – ông Hải nhấn mạnh. Thứ hai, số ca tử vong giảm liên tục, 3 ngày đầu năm mới ghi nhận lần lượt số ca tử vong là 30, 31, 26 người. Thứ ba, số ca nhập viện và số ca xuất viện ngày càng giảm. Khoảng nửa tháng trước, số ca nhập viện luôn ở mức 700-800 ca, những ngày gần đây chỉ còn hơn 300 ca. Con số xuất viện luôn lớn hơn số nhập viện. “Ba dấu hiệu này để chúng ta có niềm tin rằng công tác chống dịch ngày càng tốt hơn và mong rằng công tác phòng chống dịch năm 2022 đạt kết quả tốt” – ông Hải nhìn nhận.

Test nhanh hành khách nhập cảnh tại sân bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các cảng vụ hàng không và các đơn vị liên quan về tổ chức test nhanh, thống nhất mẫu phiếu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cảng hàng không.

Cục yêu cầu các hãng hàng không tổ chức test nhanh cho tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phối hợp xử lý các trường hợp dương tính khi test nhanh, bảo đảm hành khách không bị ùn tắc tại khu vực nhà ga, đặc biệt là khu vực tập trung test.

D.Ngọc

Độ phủ vắc-xin đã bảo đảm đạt miễn dịch cộng đồng

Tại buổi tọa đàm “Nhìn lại 2021 – Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch. Đến nay, chiến lược này phù hợp và đang mang lại hiệu quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội. “Theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron. Việt Nam đã bao phủ vắc-xin đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy, độ bao phủ vắc-xin đã bảo đảm đạt miễn dịch cộng đồng” – ông Tuyên nói.

N.Dung

Theo báo: NLD.COM.VN

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button